QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG - BỐN BƯỚC TRONG TRÍ TUỆ

http://umakes.com.vn/

QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG - BỐN BƯỚC TRONG TRÍ TUỆ


 Suy ngẫm kỹ cái gọi là trí tuệ ta sẽ thấy kết cục đấy là tìm ra cách lắp ráp, tổ hợp lại những gì mà người ấy đã biết. 

Không ai có thể đưa ra ý kiến bao gồm cả điều mình không biết. Có người đã nảy ra sáng kiến trong giấc ngủ đêm. Nhưng sau khi tỉnh giấc thì ghi chép lại, hoặc khi giải thích cho ai, kết cục đều là những danh từ, dụng cụ, phương pháp mà mình đang biết. Được lắp ráp tổ hợp theo một dạng mới. Vì thế, ta có thể định nghĩa trí tuệ là sự lắp ráp những thông tin cá nhân mà mình đang biết. 

Nếu như vậy, muốn có trí tuệ, điều trước tiên phải biết càng nhiều thông tin càng tốt. Muốn vậy, điều cần thiết thứ nhất là phải có óc tò mò, nhìn cái gì cũng muốn tìm hiểu. Đấy là yếu tố quan trọng nhất trong việc thu thập thông tin. Ngoài ra điều  quan trọng là phải biết tìm ra những chỗ không ai nói đến (Quan sát), nhìn những chỗ không ai để mắt đến. 
Đọc sách để lấy kiến thức cũng quan trọng, nhưng đối với nhà quản lý chất lượng, điều quan trọng nhất là nhìn vào thực tế xem cái gì đang xẩy ra. Bởi vì: “Chế tạo là đấu tranh với thực tế đang diễn ra”. 

Dù về mặt lý luận, cách làm ấy có tốt mấy chăng nữa, nhưng khi vào thực tế không diễn ra đúng như vậy thì không thể dùng được. Do đó dù lập luận vững vàng đến mấy đi nữa, nếu không có số liệu dẫn chứng, thì sẽ gặp nguy hiển khi đưa vào thực hành.

Thế nhưng dù có tập hợp được số liệu, cứ làm y như thế rồi kết luận ngay cũng chưa hẳn là tốt, bởi vì còn yếu tố ngẫu nhiên và tính xác thực. Đấy là quy luật đại số, là thống kê, mà qua đó ta có thể phát hiện ra tính quy luật. 

Để phát hiện ra tính quy luật, không phải chỉ xử lý số liệu là đủ. Đương nhiên, nếu làm cách phân tích mớ số liệu hỗn độn, ta có cơ hội tìm ra câu trả lời. Khi phân tích số liệu, nếu làm cẩu thả, tùy tiện thì sẽ mắc sai lầm. Muốn tránh, cần có tri thức khác giống như ‘chất khơi gợi’ đưa vào. 

Quy luật cũng có tuổi thọ của nó, ngay cả quy luật trong khoa học tự nhiên cũng bị lỗi thời theo thời gian. Tương tự như thế đối với kinh tế học, xã hội học, các quy luật có tuổi thọ ngắn không phải là hiếm. Do đó, ngay cả quy luật hay tính quy luật đã đem lại nhiều thành công trong quá khứ, chúng ta cũng cần thường xuyên xem xét lại. Nếu không làm thế có thể sẽ gặp nguy hiểm. 

Việc kiểm tra này đương nhiên là bằng số liệu thực tế. Ngược lại, qua quá trình như thế, ta có thể tìm ra những tính quy luật khác. Sau đấy lắp ráp chúng lại, ta có thể tìm ra ý tưởng mới. Nhưng điều kiện quan trọng để nảy sinh ý tưởng mới là tư duy suy nghĩ tự do.
 
Không tự do suy nghĩ thì con số lắp ráp tổ hợp sẽ không tăng. Đối với nơi mà ý tưởng liên tục phát ra, không hẳn tất cả đều có ích. Thậm chí có thể phần lớn không dùng được, không thú vị. 

Vậy thì trong số ý tưởng ấy, đem cái nào ra đánh giá mới là quan trọng, không phải chỉ đem cái hiếm, cái mà mọi người ít nói đến, ra bình là tốt. Ở điểm này chúng ta có thể thấy rằng, người giàu ý tưởng là người có năng lực đánh giá tốt. Có những cái mà người bình thường cho là vô bổ, thì người giàu ý tưởng và biết đánh giá nhìn nhận lại phát hiện ra giá trị của nó. 

Đến đây ta có thể tổng kết 4 bước trong trí tuệ như sau: 

1- Biết càng nhiều càng tốt
2- Tìm ra tính quy luật trong những điều đã biết (phân tích) 
3- Thực hiện lắp ráp tổ hợp (ý tưởng, sáng kiến) 
4- Bình phẩm đánh giá. 

Đây là 4 bước của quá trình nảy sinh ý tưởng (idea), điều quan trọng là cần chú ý và phải tập trung suy nghĩ đến nơi đến chốn cũng như tập trung tinh thần cao độ. Nhìn bề ngoài, ta có thể ngộ nhận thiên tài là tài năng trời cho. Nhiều người có vẻ không lao tâm khổ tứ gì trong việc đưa ra ý thưởng sáng kiến. 

Nhưng trong thực tế, dù là thiên tài nào, “cái tuyệt vời” bao giờ cũng được sinh ra bởi khổ não khổ trí. Phương pháp để làm được những việc ấy là bị thôi thúc, không bị thôi thúc thì trí tuệ khó mà phát lộ. 

Trong sự đe dọa của cái chết, những ý tưởng tuyệt vời không ngờ nảy sinh ra. Trong kinh doanh cũng vậy, điều hành công ty cũng thế, giống như người ta thường nói: “Công ty xuống dốc là công ty đã tự tạo nguyên nhân khi còn ở thời thịnh vượng”, hay nói cách khác là đã để mất đi khát vọng, tinh thần cầu tiến.

 (Việc chọn hạt giống cho mùa sau, chọn con giống trong đàn lai, chọn thời điển thích hợp để gieo trồng v.v..đều bắt nguồn từ tư duy về chất lượng. Chất lượng tốt sẽ làm cho cuộc sống phong phú, hạnh phúc và ổn định. Lý thuyết là bóng, thực hành là thể. – Tác giả biên dịch Trần Quang Tuệ ). 

Lược trích từ cuốn sách: QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG LÀ GÌ. 

Nguyên tác: QC KARANO HASSO (Tư duy theo quan điểm QC) của tác giả KARATSU HAJIME. 

Ông KARATSU HAJIME là một trong những người có công đóng góp vào nền quản lý chất lượng hiện đại của Nhật Bản ngay từ thời kỳ đầu (sau năm 1945), đã từng làm cố vẫn kỹ thuật cho công ty National Panasonic. 

Nguồn: Umakes.com

Nhận xét

Bài đăng phổ biến